Chuyển đổi Số – Xu hướng Tất yếu để Quản lý Năng lượng Tái tạo

(Nguồn: Báo Nhịp Sống Số)

Bên cạnh các chính sách nhằm thúc đẩy khai thác và sử dụng năng lượng tái tạo (NLTT), một vấn đề lớn đặt ra hiện nay là quản lý, khai thác các nguồn NLTT hiệu quả hơn, thông minh hơn, đáp ứng các tiêu chí về an toàn và phát triển bền vững.

Việt Nam đang có lợi thế để bứt phá trong “cuộc đua” NLTT

Những năm gần đây, việc dịch chuyển từ khai thác nguồn năng lượng truyền thống sang phát triển NLTT đang là xu thế phát triển chung trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620 MW, trong đó tổng công suất các nguồn điện NLTT (điện gió, điện mặt trời) là 20.670MW chiếm tỷ trọng 27,0%. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện.

Các chuyên gia nhận định, Việt Nam đang có lợi thế để bứt phá trong cuộc đua NLTT so với các quốc gia ASEAN nhờ các chính sách thúc đẩy NLTT mạnh mẽ thời gian qua. Mới đây nhất, vào tháng 11/2021, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030. Trong các giải pháp cần tập trung thực hiện để đảm bảo cam kết này của Việt Nam, Chính phủ đã yêu cầu các doanh nghiệp, trong đó có EVN xây dựng lộ trình thay thế nguồn năng lượng hóa thạch bằng nguồn năng lượng không phát thải.


Năng lượng tái tạo – như điện mặt trời – đang là xu thế phát triển chung của thế giới

Bên cạnh đó, một vấn đề lớn cũng được đặt ra hiện nay là nhu cầu về quản lý, khai thác các nguồn NLTT hiệu quả hơn, thông minh hơn, đáp ứng các tiêu chí về an toàn và phát triển bền vững.

Về điểm này, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý NLTT. Đến nay, đã có một số chương trình thử nghiệm về quản lý NLTT được triển khai, như chạy thử giải pháp dự báo công suất phát, tự động điều khiển công suất phát của các trang trại điện gió, điện mặt trời; quản lý tập trung nguồn năng lượng mặt trời mái nhà DERM (đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm với các công ty điện lực, thuộc khuôn khổ Dự án hợp tác kỹ thuật song phương do Cục Điều tiết Điện lực và GIZ, dưới sự ủy quyền của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên Bang Đức, phối hợp thực hiện).

“Đong gió, đo nắng” để hòa lưới điện – bài toán khó cần tháo gỡ

Trong bối cảnh đó, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức Hội nghị tự động hóa 2022 với chủ đề “Tự động hóa ngành Điện trong xu thế Chuyển đổi số” vào ngày 12/4/2022 tại TP. Hồ Chí Minh với mục tiêu tạo diễn đàn thảo luận về xu hướng và giải pháp cho hành trình chuyển đổi số ngành điện. Sự kiện có sự tham gia của các đơn vị thuộc EVN, Hội tự động hoá và các bộ ban ngành cùng một số công ty công nghệ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng, ngành Điện cần sớm bắt tay vào lộ trình chuyển đổi số một cách toàn diện, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản lý và vận hành hệ thống điện thông minh, tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, trong đó có NLTT.

Liên quan đến các dự án NLTT hiện nay, nhiều thách thức đã được đề cập đến, như: Nguồn điện không ổn định và rất khó dự báo chính xác; Tính phân tán cao, đặc biệt với quản lý năng lượng mặt trời áp mái; Rất khó lập phương thức và điều độ theo thời gian thực… Cùng đó là sự hạn chế của hạ tầng lưới điện và kỹ thuật điều độ hệ thống điện khi phải tối ưu hoá nguồn điện mới vào hệ thống…

Đóng góp tham luận tại hội thảo trong khuôn khổ sự kiện này, ông Trần Anh Thái – Đại diện Công ty Cổ phần Hệ thống Kỹ thuật Ứng dụng (ATS) – khẳng định: “Chuyển đổi số ngành Điện không chỉ là đầu tư mới hay nâng cấp hệ thống, mà là câu chuyện kết nối các hệ thống, thu thập và quản trị dữ liệu hiệu quả”.

Theo đó, ông Thái cho biết, các dữ liệu phục vụ cho các công tác quản lý vận hành hệ thống điện có thể được xếp thành hai loại chính: Dữ liệu thông tin vận hành (Operational Data) và Dữ liệu thông tin quản lý (Non-Operational Data). Để triển khai các hệ thống vận hành, hỗ trợ việc ra quyết định, cũng như nâng cao hơn nữa chất lượng, tính đầy đủ, chính xác của thông tin, cần phải xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuẩn với khả năng lưu trữ và phân tích dữ liệu lớn hỗ trợ cả hai loại dữ liệu kể trên. Tiếp đến là chuẩn hóa dữ liệu, quy hoạch lại công tác quản lý, khai thác dữ liệu để có thể kết nối, tương tác giữa hai loại dữ liệu này, nhằm khai thác thông tin quản lý vận hành một cách tối ưu nhất.


Đại diện Công ty ATS phát biểu về các giải pháp tối ưu vận hành năng lượng tái tạo

Với các cụm nhà máy sản xuất điện gió, điện mặt trời, “bài toán” đòi hỏi sử dụng dữ liệu hiệu quả còn thể hiện qua các yêu cầu cụ thể như: phối hợp điều độ vận hành với các cơ quan điều độ; giám sát hệ thống thiết bị vận hành và dự báo, phát hiện hỏng hóc; giải quyết thách thức về quản lý vận hành nhiều loại hình năng lượng khác nhau tại nhiều địa điểm khác nhau… hay câu chuyện muôn thuở là tăng năng suất lao động, giảm chi phí.

OCC – Giải pháp số hoá giúp quản lý hiệu quả NLTT

Tất cả những vấn đề đặt ra trong hành trình số hoá và xanh hoá ngành điện đang cho thấy việc ứng dụng các trung tâm quản lý vận hành tập trung để giám sát, điều khiển và quản lý các cụm nhà máy điện NLTT là cần thiết. Đây cũng chính là một giải pháp được ATS mang đến Hội nghị “Tự động hóa ngành Điện trong xu thế Chuyển đổi số” lần này – Hệ thống Trung tâm Quản lý Vận hành tập trung (OCC) cho cụm Nhà máy điện với vị trí địa lý khác nhau.


Trung tâm Điều khiển Nhà máy Điện từ xa vận hành tại Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện (PECC2), ứng dụng thành công giải pháp OCC do ATS phát triển và cung cấp

Theo chia sẻ từ ATS, Hệ thống OCC cho các nhà máy điện được xây dựng dựa trên kiến trúc lưới điện thông minh (SGAM) gồm các chức năng chính như: Kết nối và thu thập dữ liệu từ các nhà máy điện; Xử lý dữ liệu thời gian thực; Tự động cảnh báo; Phân tích sự cố; Cơ sở dữ liệu quá khứ (HIS)… Bên cạnh đó, nhiều ứng dụng nâng cao cũng được tích hợp để nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống, bao gồm: Dự báo công suất phát điện; Quản lý thông tin và bảo trì thiết bị Trạm & Nhà máy; Phân tích và chuẩn đoán lỗi hệ thống,…

Hệ thống đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế mới nhất từ các tổ chức kỹ thuật uy tín trên thế giới như Hiệp hội tiêu chuẩn (IEC), Viện tiêu chuẩn Quốc gia Mỹ (ANSI), Hiệp hội viễn thông Quốc tế (ITU)….

Tin rằng, những giải pháp như OCC được áp dụng rộng rãi sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của ngành điện cũng như giải quyết được các thách thức trong quản lý năng lượng tái tạo hiện nay.